Tổ chức Hội thảo “Đại học khởi nghiệp” tại Đại học Bách Khoa
Ngày đăng: 19/7/2023
Trong khuôn khổ triển khai các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của Thành phố Hồ Chí Minh cho các trường đại học, Trường Đại học Bách khoa đã phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Công ty Cổ phần Tập đoàn Green Plus tổ chức Hội thảo “Đào tạo, nghiên cứu Khoa học và Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo trong Trường Đại học khởi nghiệp”.
Đây là Hội thảo lần 6 trong chuỗi Hội thảo “Đại học Khởi nghiệp” được triển khai tại các Trường Đại học trên địa bàn thành phố từ tháng 8 năm 2022 với đa dạng các chủ đề.
Tham dự Hội thảo gồm có:
- Bà Phan Thị Quý Trúc - Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM
- Ông Đặng Đức Thành – Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm CLB các Nhà kinh tế, Chủ tịch Học viện Khởi nghiệp thành công
- PGS TS Lê Văn Thăng – Phó HT trưởng trường ĐH Bách Khoa
- Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh – GĐ Chương trình SWISS EP VN khu vực TPHCM và Miền Nam
- TS Võ Trí Thành – Viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh
- PGS TS Đặng Sao Mai – Phó Hiệu Trưởng trường ĐH Công nghiệp TPHCM
- TS Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh
- TS Huỳnh Kỳ Trân - Chủ tịch HĐQT Công ty Hóa - Mỹ phẩm Thorakao
- Ông Mr. Anthony Nahas - Giám đốc AN Consulting, thành viên đại diện Liên danh Đổi mới sáng tạo MSGC Paris
- ThS Huỳnh Hồng Mai – PGĐ Trung tâm sáng tạo và ươm mầm KN trường ĐH Nguyễn Tất Thành
- TS Đỗ Xuân Hồng – GĐ TT Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ trường ĐH Nông Lâm
- PGS TS Phạm Đình Anh Khôi – GĐ TT Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ trường ĐH Bách Khoa
Phát biểu mở đầu Hội thảo, bà Phan Thị Quý Trúc nhấn mạnh trong hệ thống Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia, Trường Đại học là một mắt xích vô cùng quan trọng. “Một trường Đại học tốt không những cung cấp nguồn nhân lực giàu tri thức cho xã hội mà còn là nơi ươm mầm, phát triển các ý tưởng ĐMST dồi dào, giúp nâng cao tài sản trí tuệ cho hoạt động của doanh nghiệp”, bà Trúc cho biết, đồng thời mong muốn các chuyên gia, khách mời tại hội thảo có thể tìm ra các điểm nghẽn trong việc triển khai hoạt động KNĐMST tại Trường Đại học.
PGS. TS. Lê Văn Thăng cho biết cùng với sự ra đời của Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ vào năm 2010, từ đó đến nay, Trường Đại học Bách khoa đã xây dựng một hệ sinh thái KNĐMST tương đối hoàn chỉnh. “Thông qua hội thảo lần này, Nhà trường hy vọng được lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị khác, từ đó hoàn thiện hơn nữa hơn mô hình hoạt động KNĐMST tại Trường cũng như gia tăng sự kết nối giữa Nhà trường – Nhà nước và Doanh nghiệp”, PGS. TS. Lê Văn Thăng chia sẻ.
Tại hội thảo, ông Đặng Đức Thành đã trình bày tham luận “Vì sao chưa phát triển được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ các trường đại học?”, trong đó nêu lên một số nguyên nhân phổ biến như sự bất cập trong các quy định hiện hành, tình trạng khát vốn cho khởi nghiệp, chưa có cơ chế phối hợp ăn ý giữa các bên có liên quan, sự kết nối của nhà trường và doanh nghiệp còn mang nặng tính hình thức, công tác nghiên cứu khoa học trong trường chưa được nhận thức đầy đủ và đầu tư thỏa đáng,…
Trước những thách thức đặt ra này, hội thảo tiếp tục lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm từ chuyên gia quốc tế – ông Martin Webber, Co-Owner, J.E. Austin Associates McLean, Virginia, United States về chủ đề “Phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp trong Trường Đại học khởi nghiệp”. Ông Martin Webber chỉ ra rằng, để phát huy vai trò trong hệ sinh thái khởi nghiệp, mỗi Trường Đại học cần phải xác định được lĩnh vực lợi thế mà Trường sẽ đào sâu nghiên cứu và phát triển công nghệ đồng thời khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp, cần nêu lên các đề xuất giá trị và cam kết thực hiện các đề xuất này, xây dựng các cơ chế khuyến khích nội bộ, thiết lập các bộ chỉ số đánh giá kết quả, có kế hoạch giải quyết các rào cản đối với việc xây dựng tinh thần khởi nghiệp, tích cực tham gia vào mạng lưới đổi mới sáng tạo cùng các doanh nghiệp,…
Tiếp nối hội thảo, PGS. TS. Phạm Đình Anh Khôi, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ Trường Đại học Bách khoa chia sẻ về chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học & khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo theo mô hình Trường Đại học Khởi nghiệp”. Trong đó, PGS. TS. Phạm Đình Anh Khôi nhấn mạnh giải pháp theo mô hình gồm 5 bước trọng tâm, gồm có (1) Hoạch định chiến lược, (2) Quản trị & nhân lực, (3) Nguồn lực, (4) Đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo và (5) Cải tiến và tác động.
Hội thảo kết thúc bằng phần thảo luận mở với chủ đề “Lộ trình phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo của các trường đại học Việt Nam để phát triển theo định hướng trường đại học khởi nghiệp”.