Gan và thận là hai cơ quan chính trong cơ thể có khả năng loại bỏ các độc tố. Những độc tố dễ tan trong nước sẽ được loại qua thận. Những độc tố tan trong dầu, sẽ được biến chế bởi những tế bào gan thành những chất kém nguy hiểm hơn, hoặc dễ hòa tan trong nước hơn để loại ra khỏi cơ thể. Khi gan bị chai, những độc tố sẽ ứ đọng lại trong cơ thể. Do vậy, một trong những nhiệm vụ chính của gan là thanh lọc độc tố. Bài viết này giới thiệu một số cây thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc đã được Bộ Y Tế ban hành, hay đã được GS. Đỗ Tất Lợi biên soạn trong “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, hay trong “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”. Đây là những cây thuốc dễ kiếm, mọc hoang hay được trồng ở nước ta, việc sử dụng tương đối dễ dàng.
Bạch hoa xà thiệt thảo
- Tên khác: Cỏ lưỡi rắn hoa trắng, An điền bò, An điền lan, Bòi ngòi bò.
- Tên khoa học: Hedyotis diffusa Willd.
- Họ: Cà phê (Rubiaceae)
- Bộ phận dùng: Toàn cây- Herba Hedyotidis diffusae
- Công năng, chủ trị: Bạch hoa xà thiệt thảo có vị ngọt, đắng, tính hàn vào các kinh vị, đại tràng, tiểu tràng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu thông lâm, tiêu ung tán kết. Chữa phế nhiệt, hen suyễn, viêm họng, viêm Amydal, viêm đường tiết niệu, viêm đại tràng (trường ung). Dùng ngoài chữa vết thương, rắn cắn, côn trùng đốt.
- Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 15 – 60g (khô) sắc uống. Dùng ngoài, giã nát đắp tại chỗ.
Lưỡi rắn
- Tên khác: Xà thiệt thảo
- Tên khoa học: Hedyotis corymbosa L.
- Họ: Cà phê (Rubiaceae)
- Bộ phận dùng: Toàn cây- Herba Hedyotidis corymbosae
- Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt, giải độc. Theo kinh nghiệm nhân dân, cây được dùng tươi để giải độc, chữa rắn cắn rất có hiệu quả. Ngoài ra cây còn chữa sốt cao, sốt cách nhiệt, đau nhức xương, thấp khớp. Dùng ngoài chữa vết thương, rắn cắn, côn trùng đốt.
- Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 15 – 30g sắc uống. Dùng ngoài, lấy nước sắc rửa vết thương.
Bồ công anh
- Tên khác: Diếp dại, diếp trời, rau bồ cóc, rau mét, cây mũi mác
- Tên khoa học: Lactuca indica L.
- Họ: Cúc (Asteraceae)
- Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất – Herba Lactucae indicae
- Công năng, chủ trị: Sách Trung quốc coi Bồ công anh có vị ngọt, đắng, tính hàn, vào 2 kinh tỳ và vị, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm tán kết, thông sữa, lợi tiểu tiện dùng trong các bệnh sưng vú, mụn nhọt, tiểu tiện khó khăn, ít sữa. Chữa mụn nhọt, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 8 – 30g (khô), 20 – 40g (cây tươi), ép lấy nước uống hoặc sắc uống. Đắp ngoài trị mụn nhọt, sưng vú, tắc tia sữa.
Diệp hạ châu
- Tên khác: Diệp hạ châu đắng, cây chó đẻ răng cưa
- Tên khoa học: sử dụng cả 2 cây Phyllanthus urinaria L. và Phyllanthus amarus Schum. et Thonn.
- Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae).
- Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất sấy hoặc phơi khô – Herba Phyllanthi
- Công năng, chủ trị: Diệp hạ châu có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng tiêu độc, sát trùng, lợi mật, tán ứ, thông huyết, điều kinh, lợi tiểu, thông sữa. Chữa viêm gan hoàng đảm, viêm họng, tắc sữa, kinh bế, viêm da thần kinh, viêm thận, sỏi tiết niệu, mụn nhọt, lở ngứa ngoài da.
- Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 8 – 20g, sắc uống.
Diếp cá
- Tên khác: Lá giấp, rau giấp cá, tập thái, ngư tinh thảo.
- Tên khoa học: Houttuynia cordata Thunb.
- Họ: Giấp cá (Saururaceae)
- Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Houttuyniae
- Công năng, chủ trị: Diếp cá có vị chua cay, mùi tanh của cá, tính mát, hơi có độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, sát trùng. Chữa táo bó, trĩ, mụn nhọt, lở ngứa, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ xanh, viêm ruột, kiết lỵ, bí tiểu tiên, kinh nguyệt không đều.
- Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 6 – 12g toàn cây khô (trừ rễ), 20 – 40g cây tươi, dạng thuốc sắc, thuốc bột, viên hoặc giã nát, lọc lấy nước uống.
Kim ngân
- Tên khác: Dây nhẫn đông, chừa giang khằm (Thái), boóc kim ngần (Tày)
- Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb.
- Họ: Kim ngân (Caprifoliaceae)
- Một số loài khác đôi khi cũng được sử dụng như kim ngân lông (Lonicera cambodiana Pierre ex Danguy), kim ngân lẫn (Lonicera confusa DC.), kim ngân hoa to (Lonicera macrantha DC.).
- Bộ phận dùng: Hoa (Flos Lonicerae) sắp nở (có lẫn một số hoa đã nở) đã phơi hay sấy khô. Thân và cành (Herba Lonicerae) phơi hay sấy khô.
- Công năng, chủ trị: Kim ngân có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, không độc, vào 4 kinh tâm, phế, vị và tỳ, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán phong nhiệt, sát trùng. Chữa mụn nhọt, mề đay, lở ngứa, nhiệt độc ban sởi, dị ứng, lỵ, cảm mạo phong nhiệt, ho do phế nhiệt, viêm mũi dị ứng.
Theo Đỗ Tất Lợi (2009), Kim ngân uống lâu nhẹ người tăng tuổi thọ. Những người tỳ vị hư hàn không có nhiệt độc, hoặc mồ hôi ra nhiều không nên dùng.
- Liều lượng, cách dùng: Kim ngân được dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Ngày dùng 4 – 6g (hoa) hay 10 – 16g (cành lá), dùng dưới dạng thuốc sắc uống, thuốc hãm hoặc hoàn tán.
Rau sam
- Tên khác: Mã xỉ hiện.
- Tên khoa học: Portulaca oleracea L.
- Họ: Rau sam (Portulacaceae).
- Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất- Herba Portulacae oleraceae
- Công năng, chủ trị: Rau sam vị chua, tính hàn, không có độc, vào kinh can, đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát máu, tiêu sưng, sát trùng, lợi tiểu. Chữa mụn nhọt, nước ăn chân, kiết lỵ, tiểu buốt, tiểu ra máu. Phàm những người tỳ vị hư hàn, ỉa lỏng chớ nên dùng.
- Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng: 9 – 12g, dạng sắc. Dùng ngoài 30 – 60g tươi, giã đắp vào nơi bị bệnh.
- Thuốc giải độc: Khi uống nhầm thuốc có chất độc, dùng rau sam thật nhiều, giã vắt lấy nước cốt 100 ml cho uống, bã đắp vào rốn. Ngày làm 4-5 lần.
Sài đất
- Tên khác: Cúc nháp, ngổ núi, tân sa
- Tên khoa học: Wedelia calendulacea Less. = Wedelia chinensis (Osbeck) Merr.
- Họ: Cúc (Asteraceae).
- Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất – Herba Wedeliae
- Công năng, chủ trị: Sài đất có vị ngọt, hơi chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm. Chữa viêm tấy, mụn nhọt, nhiễm trùng, chốc đầu, lở ngứa, dị ứng.
- Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 50 – 100g (tươi), giã nát, hòa thêm nước gạn uống, bã đắp vào chỗ sưng tấy. Dùng dạng khô: 20 – 40g, sắc với 400ml nước đun sôi còn 100ml, uống làm 2-3 lần trong ngày. Trẻ em tùy tuổi, uống 1/3 – 1/2 liều người lớn. Dùng 5-7 ngày.
Xạ can
- Tên khác: Rẻ quạt, lưỡi đòng
- Tên khoa học: Belamcanda chinensis (L.) DC.
- Họ: La dơn (Iridaceae)
- Bộ phận dùng: Thân rễ – Rhizoma Belamcandae
- Công năng, chủ trị: xạ can có vị đắng, tính mát, hơi có độc, vào 2 kinh: can và phế. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán huyết, tiêu đờm. Chữa viêm họng, viêm amydal có mủ, ho nhiều đờm, khản tiếng, viêm tắc tuyến vú, tắc tia sữa. Phàm người tỳ vị hư hàn không dùng được.
- Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 3 – 6g (dạng khô), sắc uống; 10 – 20g thân rễ tươi rửa sạch, nhúng qua nước sôi, giã nát cho vài hạt muối, vắt lấy nước ngậm và nuốt dần, bã hơ nóng đắp vào cổ.
Mơ lông
- Tên khác: Cây lá mơ, dây thối địt, dắm chó, ngưu bì đống.
- Tên khoa học: Paederia foetida L. lanuginosa Wall.
- Thực tế một số loài khác cũng được dùng như: Paederia scandens (Lour.) Merr. (=Paederia tomentosa L.), Paederia microcephala Pierre.
- Họ: Cà phê (Rubiaceae).
- Bộ phận dùng: Toàn cây thu hái vào mùa hè. Rễ vào mùa thu hay màu đông. Lá thường dùng tươi.
- Công năng, chủ trị: Mơ lông có vị hơi đắng, hơi mặn, mùi hôi, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm săn. Chữa lỵ trực khuẩn (lá tươi).
- Mơ lông có thể có tác dụng tăng thải trừ chất độc tích lũy trong cơ thể khi dùng các chất có hại như rượu, thuốc lá, hoặc do rối loạn chuyển hóa.
- Liều lượng, cách dùng: Lá tươi 30 – 50g, lau sạch, thái nhỏ trộn với trứng gà, bọc vào lá chuối đem nướng hoặc áp chảo cho chín. Ngày ăn 2 – 3 lần, trong 5 – 8 ngày.
Trên đây là 10 loài cây thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc cơ thể, chúng rất dễ tìm, dễ trồng, nếu mua thì rẻ tiền. Tuy nhiên, cần lưu ý khi thu hái phải đúng cây thuốc, đúng mùa, đúng lúc cây thuốc, vị thuốc có chứa nhiều hoạt chất nhất, dùng đúng bộ phận cây để làm thuốc, và chế biến phải đúng phép. Liều lượng dùng đối với những cây có độc tính cũng cần thận trọng.
PGS. TS. Trương Thị Đẹp