1. Định nghĩa:
- TBMMN hay đột quỵ não do tổn thương động mạch não với biểu hiện đột ngột tê bì, yếu hoặc liệt ½ người, nói khó hoặc không nói được, rối loạn thị lực một hoặc hai mắt…do một phần của não bị ngưng cung cấp máu. Khoảng 75% do tắc động mạch não, 25% do xuất huyết não.
- Thiếu máu não thoáng qua (Transient Ischemic Attack = TIA): do não bị thiếu máu nhất thời. Biểu hiện gần giống TBMMN, nhưng không kéo dài quá 24 giờ.
- TBMMN là tình huống khẩn trương, vì phải “Giành lại từng khoảnh khắc”.
Hình minh hoạ động mạch cảnh bình thường, động mạch cảnh bị hẹp
Các loại TBMMN:
- Tắc mạch (thrombotic stroke): nguyên nhân do mảng mỡ kết hợp với kết tụ của tiểu cầu gây nghẽn động mạch não,
- Lấp mạch (Embolic stroke): do cục máu đông từ nơi khác di chuyển đến gây tắc động mạch não.
- Xuất huyết não: mạch máu não bị rò rỉ hay vỡ mạch, các loại xuất huyết não: xuất huyết trong não, xuất huyết dưới màng nhện
– Tăng huyết áp không kiểm soát được
– Điều trị chống đông máu quá liều
– Vỡ phình mạch máu do dị dạng
2. Tần suất bệnh:
Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ/năm, khoảng 6 triệu người tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng trong thời gian dài hoặc vĩnh viễn.
Tại Việt Nam, hơn 200.000 người/năm bị TBMMN, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động (Báo sức khoẻ và đời sống).
Trong ba năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng từ 1,7% – 2,5%, tỉ lệ nam giới mắc phải cao gấp 4 lần nữ. Độ tuổi bị TBMMN dần trẻ hóa, từ 40 – 45 tuổi so với trước đây là 50 – 60 tuổi (Số liệu từ các bệnh viện có khoa thần kinh trên toàn quốc).
3. Triệu chứng:
3.1. Nhu cầu oxy của não [4]:
- Mỗi phút có 700 – 1.000ml máu qua não, chiếm khoảng 15 – 25% cung lượng tim,
- Nhu cầu oxy não gấp hơn 5 lần tim, dù não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng cần 10% O2 toàn cơ thể,
- Khi não bị ngừng cung cấp máu (O2): 13 giây sẽ mất tri giác, 20 – 60 giây sẽ mất phản xạ, 3 phút tế bào não sẽ tổn thương.
3.2. Triệu chứng:
Xuất hiện đột ngột với những biểu hiện sau đây tuỳ thuộc vùng não bị tổn thương:
- Lú lẫn, nói khó, hoặc lời nói khó hiểu,
- ½ mặt, tay, chân tê, dị cảm, yếu, hay liệt,
- Rối loạn thị lực 1 hoặc cả 2 mắt,
- Đi đứng khó, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc khó phối hợp động tác,
- Đau đầu không rõ nguyên nhân
4. Nguyên nhân:
Không do 1 nguyên nhân duy nhất, nhiều yếu tố tác động gồm: tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch. Nguyên nhân chủ yếu do tắc (hay lấp) hoặc vỡ động mạch nuôi bộ não. Các yếu tố nguy cơ của bệnh:
4.1. Yếu tố không thay đổi được (Non – Reducable Risk Factors):
- Tuổi cao: mỗi 10 năm sau 55 tuổi, khả năng bị TBMMN tăng gấp đôi. Khoảng 65% TBMMN xảy ra ở người từ trên 65 tuổi. Người 75 tuổi có nguy cơ TBMMN tăng gấp 4 lần so với người 55 tuổi.
- Từng bị TIA hoặc TBMMN có nguy cơ tái phát cao, khoảng 60% người bị TBMMN trước đó từng bị TIA,
- Tỉ lệ TBMMN nam cao hơn nữ, nhưng sau tuổi 55 tỉ lệ TBMMN cả 2 giới sẽ ngang nhau,
- Người có thành viên trong gia đình (cha mẹ, anh chị em ruột) đã từng bị TIA hay TBMMN sẽ có nguy cơ TBMMN cao hơn người trong gia đình không bị TBMMN,
4.2. Yếu tố có thể điều chỉnh được (Reducable Risk Factors):
- Tăng huyết áp: kiểm soát huyết áp tốt sẽ giảm nguy cơ đột quỵ có ý nghĩa,
- Tăng lipid máu có hại (TG, Cholesterol TP, LDL-c), giảm HDL-c,
- U vàng mi mắt (xanthelasma), đục rìa giác mạc (Arcus cornea), dấu giật dây chuông khuỷu tay,
- Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động kéo dài,
- Đái tháo đường (ĐTĐ) có nguy cơ TBMMN cao hơn người không bệnh ĐTĐ.
- Bệnh van tim, loạn nhịp tim, suy tim…có nguy cơ TBMMN cao hơn nhiều lần người không có bệnh tim.
- Ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ,
- Sử dụng thuốc ngừa thai hoặc bị tăng nồng độ estrogen máu (có thai, bệnh nội tiết khác).
5. Dự phòng:
Hậu quả nặng nề sau TBMMN: phục hồi di chứng, chống tái phát và cần đội ngũ chuyên gia chăm sóc người bị TBMMN theo lý thuyết: Thần kinh, phục hồi chức năng, dinh dưỡng, điều dưỡng, tim mạch, hướng dẫn nghề nghiệp, ngôn ngữ học, chuyên viên ngôn ngữ học, công tác xã hội, quản lý hồ sơ sức khoẻ, chuyên gia tâm linh. Do đo, vấn đề dự phòng là quan trọng:
5.1. Dự phòng cấp I (Dựa vào yếu tố nguy cơ): khi chưa bị TBMMN, cần thay đổi lối sống và điều chỉnh yếu tố nguy cơ:
- Kiểm soát stress, tư duy tích cực, tìm hạnh phúc trong cuộc sống,
- Kiểm soát huyết áp, đường huyết,
- Chống thừa cân – béo phì
- Tập thể dục vừa phải, phù hợp với thể trạng,
- Hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, chất gây nghiện khác,
- Hạn chế đường, muối, thịt đỏ
- Ăn đủ chất dinh dưỡng, vitamin, chất xơ, men vi sinh,
- Kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
5.2. Dự phòng cấp II (Dựa vào tiền sử bệnh):
Dựa vào thuốc chống huyết khối (antithrombotic) tuỳ bệnh lý đi kèm, gồm: Thuốc chống đông (anticoagulant); Thuốc chống kết tập tiểu cầu (antiplatelet); Thuốc tiêu sợi huyết (fibrinolitic):
- Aspirin: ức chế tổng hợp prostsglandin nên ức chế chất gây kết tụ tiểu cầu thromboxane A2. Không sử dụng ở người dị ứng aspirin hay viêm loét dạ dày. Liều 50 – 325 mg/ngày.
- Clopidogrel – Plavix®: giảm nguy cơ TBMMN do XVĐM mới bị TBMMN, cơ chế tác dụng: khoá thụ thể adenosine phosphate (ADP) giúp ngăn chặn fibrinogen gắn vào thụ thể nên phòng ngăn ngừa kết dính tiểu cầu. Liều 75 mg/ ngày, không cần ăn no.
- Aggrenox®: sử dụng khi người bệnh đã bị TIA, hoặc TBMMN thực sự do nghẽn mạch nhưng dị ứng vớ Aspirin hay Dipyridamole.
- Fondaparinux (Arixtra R)…
6. Phòng và điều trị TBMMN bằng liệu pháp tự nhiên
YHCT |
YHHĐ |
Hoả vượng (Tâm hoả: thần kinh trung ương, TK tự thực vật, yếu tố viêm) |
Viêm, tăng hs-CRP, tế bào viêm, viêm mạch máu |
Đàm thấp (Tỳ thổ: hệ tiêu hoá, chuyển hoá chất dinh dưỡng) |
Rối loạn lipid máu, mảng xơ vữa, |
Khí trệ, huyết ứ (Can mộc: thần kinh ngoại biên, hệ vận động) |
Tăng kết dính tiểu cầu, co thắt mạch (tăng áp lực máu trên thành mạch). |
6.1. Dược liệu [1]: sử dụng cây – con làm thuốc có tác dụng ổn định đường huyết, lipid máu, huyết áp, chống kết tập tiểu cầu và tăng cường chức năng của hệ tiêu hoá (gan, men tiêu hoá, men vi sinh, chất xơ).
Tên Dược liệu |
Thành phần và Công dụng |
Tỏi [Bulbus Allii] (Can – Vị) |
Tỏi chứa chất Allicin có tính antioxidant rất mạnh, giàu manganese, calcium, phosphorus, selenium,và vitamins B6, C… có tác dụng tốt hệ tim – mạch chống đông máu, ổn định huyết áp, lipid, điều hoà miễn dịch, chống viêm, kháng khuẩn, thải kim loại nặng… |
Đông trùng hạ thảo [Cordiceps sinensis (Berk) Sacc.] (Phế – Thận) |
Ổn định nhịp tim, chống rối loạn chuyển hoá mỡ máu, Tăng cường hoạt động của gan, thận. Điều hoà hệ miễn dịch, phòng bệnh, ổn định đường huyết. Tăng năng lượng cho hoạt động của tế bào – Chống mệt mỏi nhờ gia tăng chất ATP (adenosine triphosphate). Cung cấp nhiều loại acid amin khác nhau, lipid, nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na…) và vitamin… |
Nhân sâm [Panax ginseng, Panax quiquefollium L.] (Tỳ – Phế) |
Ổn định các thành phần mỡ trong máu, đường huyết, phòng bệnh đái tháo đường, adaptogen, Thải độc, bảo vệ tế bào gan, chống stress, Duy trì hoạt động của tế bào não, giảm quá trình lão hóa, Tăng cường sức đề kháng, Ức chế sự tăng sinh tế bào ung thư. |
Linh chi đỏ [Ganoderma lucidum (Leyss ex Fr.) Karst] (Can – Tâm – Phế – Thận) |
– Cải thiện hệ miễn dịch, phòng chống nhiễm virus, vi khuẩn, – Kích thích quá trình đốt cháy mỡ thừa, giảm được sự hình thành của các tế bào mỡ, chống gốc tự do, bảo vệ tế bào gan. – Hệ thần kinh: giúp giảm mệt mỏi căng thẳng, an thần, giảm ảnh hưởng của caffeine, thư giãn cơ bắp; hỗ trợ trị chứng đau đầu, mất ngủ. – Bệnh ung thư: kìm hãm sự tăng trưởng của tế bào ung thư. – Hệ tim mạch: giảm Cholesterol máu, trợ tim, giảm xơ cứng thành mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu. – Ổn định đường trong máu, phòng ngừa bệnh tiểu đường. |
Giảo cổ lam [Gynostemma pentaphyllum Cucurbitaceae] |
Chuyển hóa lipid giúp ổn định mức cholesterol trong máu và làm giảm béo hiệu quả mà không phải kiêng quá mức; bình ổn huyết áp, chống huyết khối, ngăn ngừa biến chứng tim, mạch, não, chống lão hóa, ngăn ngừa stress, cải thiện giấc ngủ… |
Quả sơn tra [Crataegus pinnatifida Bunge] (Tỳ – Vị – Can)
|
Cải thiện enzyme tiêu hoá, có chứa nhiều acid hữu cơ như acid citric, acid tartaric, vitamin C giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Cải thiện chức năng bài tiết của cơ thể, đào thải các chất béo và độc chất ra khỏi cơ thể, giúp giảm cân hiệu quả. |
Lá sen [Folium Loti] (Can – Tỳ – Vị) |
Có nhiều flavonoid có tác dụng chống rối loạn Cholesterol, cải thiện quá trình chuyển hóa lipid, giúp giảm cân hiệu quả. |
Nấm mèo đen [Auricularia polytricha Sacc.] |
Chứa: protid, Lipid, Glucid, Ca, Caroten, Vitamin… Chống oxyt hoá, chống kết tụ tiểu cầu, hạn chế hình thành cục máu đông, ổn định đường huyết, cải thiện hoạt động hệ tim mạch, tăng cường chuyển hoá các chất, bảo vệ gan, cải thiện tuần hoàn máu cho hệ thần kinh. |
Nghệ vàng [Rhizoma Curcumae longae] (Can – Tỳ) |
Hoạt chất là curcumin (chiếm 60%) có tác dụng: chống oxyt hoá, kháng viêm, kháng khuẩn, giảm cholesterol và lipid máu toàn phần, lành vết loét, tăng cường lưu thông máu, |
Hoài sơn [Rhizoma Dioscoreae] (Tỳ – Vị – Phế – Thận) |
Saponin nhân sterol, acid amin (arginine, choline). Tác dụng ổ định lipid và đường máu |
Hoa hoè [Flos Sophorae japonicae] (Can – Đại tràng) |
Ổn định huyết áp, kháng khuẩn, chống viêm, chống co thắt cơ trơn ở đường ruột |
6.2. Thức ăn có tác dụng phòng TBMMN [5] [6]:
Men vi sinh (*) còn gọi là probiotic, là những vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) cho đường ruột. Đường ruột khỏe mạnh khi hệ vi sinh vật được cân bằng: lợi khuẩn và hại khuẩn có tỷ lệ vàng là 85% lợi khuẩn / 15% hại khuẩn. Lợi khuẩn giúp tiết enzym tiêu hóa, tiêu hoá thức ăn, sản xuất acid lactic, giữ độ acid đường ruột hợp lý và ức chế phát triển vi khuẩn có hại giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hạn chế nhiễm trùng tiêu hóa, cải thiện tình trạng loạn khuẩn ruột, giúp điều hoà hệ miễn dịch cơ thể.
Tác dụng có lợi của Men vi sinh: giúp ổn định đường huyết, sức khoẻ của não – tim qua cơ chế giảm cholesterol máu, giảm huyết áp và kháng viêm. Nhiều nghiên cứu cho kết quả probiotic có thể làm giảm cholesterol máu, đặc biệt ở người tăng cholesterol máu. Một nghiên cứu khi sử dụng Lactobacilli cho kết quả: giảm LDL-c, cholesterol toàn phần và tăng HDL-c; Giảm huyết áp trên người bị tăng huyết áp; Probiotic giúp giảm phản ứng viêm (giảm có ý nghĩa C-reactive protein và Fibrinogen).
Một dạng thức uống chức năng bảo vệ tim mạch, gồm nấm mèo đen, nghệ vàng, đậu nành kết hợp vi sinh Lactobacillus casei sp. và Bacillus subtilis subsp. amyloliquefaciens, có tác dụng: chống gốc tự do (antioxidant), cân bằng giữa lợi khuẩn (85%) và hai khuẩn (25%), cải thiện miễn dịch, ổn định lipid máu, ngăn hình thành cục máu đông [3]. Bacillus subtilis subsp. Amyloliquefaciens có khả năng như B.subtilus subsp. Natto (có trong thức ăn quen thuộc của dân Châu Á: đậu tương, chao) vì tạo được men protease (Nattokinase) phân huỷ sợi fibrin chống huyết khối trong mạch máu.
(*) Phân biệt men tiêu hoá và men vi sinh, thực chất có 3 loại men (enzyme): chuyển hoá chất (Metabolic enzyme, thúc đẩy mọi chuyển hoá trong tế bào); tiêu hoá thức ăn (Digestive enzyme, 3 loại chính: protease, amylase, lipase); men trong thực phẩm (Food enzyme: có trong tất cả các thực vật tươi sống).
7. Kết luận
TBMMN có nguy cơ tử vong cao và gây tổn hại rất lớn đến sức khoẻ và kinh tế gia đình cũng như xã hội. Dự phòng sớm bằng liệu pháp thiên nhiên từ cây dược liệu chất lượng, thức ăn – nước uống có dược tính, kết hợp với thực hiện thay đổi lối sống hợp lý, chắn chắn sẽ hạn chế tình trạng phải “giành lại từng khoảnh khắc”!
Bs. Trần Văn Năm