Bác sĩ Trần Văn Năm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Y Dược Học Dân Tộc TPHCM
- TỔNG QUAN
- Nguồn gốc collagen:
- Collagen là một loại protein được cơ thể động vật tạo ra, đặc biệt là động vật có vú và là thành phần chính của mô liên kết như sụn (vành tai, đầu mũi, sụn, xương, đầu gân, dây chằng).
- Collagen gồm 3 chuỗi polypeptide cuộn lại với nhau, mỗi chuỗi tự xoắn theo hướng phải qua trái, với 3 gốc trên 1 vòng xoắn, 3 chuỗi này xoắn lại với thành bộ 3 xoắn ốc (helix conformation) rất chắc và khó hấp thu vào cơ thể qua con đường thức ăn.
- Collagen khác với các dạng protein khác do trong thành phần có đủ 3 acid amine chính Proline – Hydroxyl proline – Glycine.
- Khi đun sôi mô liên kết của động vật ở một nhiệt độ nhất định trong thời gian đủ lâu, hỗn hợp thu được là chất Collagen thủy phân. Nếu chỉ thủy phân một phần sẽ hình thành dạng keo (gel) là Gelatin. Khi Collagen thủy phân hoàn toàn thành dạng Collagen peptide, dễ hấp thu qua niêm mạc ruột để vào máu.
- Collagen chứa 18 loại acid amine trong đó có 8/9 loại acid amin thiết yếu. Collagen peptide (CP) có chuỗi acid amine ngắn hơn gelatin, nên dễ hấp thu vào cơ thể và có hoạt tính sinh học cao hơn.
- Sau khi hấp thu, CP di chuyển khắp cơ thể để sửa chữa, tái tạo các cơ quan – bộ phận trong cơ thể, phần còn lại dùng cung cấp năng lượng.
- Có khoảng 20 loại collagen, nhưng trong cơ thể loại I, II, III,
chiếm 80 – 90%, chúng có cấu trúc và chức năng khác nhau.
- Collagen I: có trong xương, gân, nội tạng,
- Collagen II: có trong sụn
- Collagen III: có trong reticular fibres
- Collagen IV: có trong màng cơ bản của tế bào
- Collagen V: có trong tóc móng
- Các dạng collagen hiện lưu hành
2.1. Các dạng collagen khác nhau:
- Collagen peptide và collagen thủy phân:
Trước hết là khác nhau về tên gọi, thứ đến collagen thủy phân tức là tên của phương pháp dùng để cắt collagen chuỗi dài thành dạng ngắn hơn có hoạt tính hơn nên gọi là Collagen peptide.
- Phân biệt Gelatin và Collagen peptide:
Khi collagen bị thủy phân một phần tạo thành dạng gel có chứa nhiều nước tạo thành chất Gelatin, dùng trong ngành thực phẩm chế biến các dạng kẹo, bánh dẻo. Collagen peptide tan dễ trong nước lạnh, có thể trộn vào với bất kỳ món ăn mà không làm thay đổi hình dạng kết cấu hay mùi vị.
2.2. Một số collagen thường dùng trong YHCT
- Cao xương Cá sấu: xương Cá sấu nấu cao với nhiệt độ và thời gian thích hợp tạo chế phẩm hiện có: Diamond bone, Diamond Gold, Diamond Green+, Joint tablet…
- Cao xương gấu: gọi là Hùng cốt. Bộ phận sử dụng là toàn bộ xương các loài gấu đã phơi khô, nấu cao. Tính ấm, cay, vị mặn đi vào kinh can và thận. Dùng ở dạng cao mềm với liều trung bình từ 8 – 12g mỗi ngày.
- Cao xương hổ: gọi là Cao Hổ cốt. Bộ phận dùng gồm toàn bộ xương phơi khô. Theo Đông y cao xương hổ tính nóng cay, mặn; vào kinh can và thận. Dùng chữa gân xương đau nhức, mỏi lưng, nhức chân, hồi hộp lo sợ, điên cuồng. Dùng dạng cao mềm hay ngâm trong rượu trắng. Liều uống trung bình mỗi ngày từ 5-10g.
- Cao xương hươu, nai: Xương hươu, nai có tên khoa học là OS Cervi. Toàn bộ xương phơi khô nấu cao. Tính hơi ấm, vị mặn; vào kinh can và thận. Uống ở dạng cao mềm hay rượu, ngày 5-10g.
- Cao xương khỉ: Còn gọi là Hầu cốt. Toàn bộ xương các loài khỉ phơi khô. Tính hơi ấm, vị mặn, đi vào thận. Dùng dưới dạng cao mềm hòa với mật ong, ngày 5-10g.
- Cao xương ngựa: cao xương ngựa các loại hiện có bán nhiều trên thị trường, Xương ngựa Chu Việt.
- Cao Quy bản: ngọt mặn, tính hàn. Vào 4 kinh Tâm, tỳ, can, thận.
- Tầm quan trọng của collagen đối với cơ thể:
- Collagen là một protein giàu acid amin nhất trong cơ thể. Collagen chiếm 90% mô liên kết, 90% chất hữu cơ của xương, 70% trong da.
- Sau tuổi 25 cơ thể giảm sản xuất dần chất collagen và sau 60 tuổi collagen được sản xuất còn khoảng ½ so vớ tuổi 20, nên da nhăn, chảy xệ, cứng khớp, xương dễ gãy, tóc thưa và mỏng hơn…
- Collagen chiếm khoảng 25% tổng lượng
protein của toàn bộ cơ thể, nên nếu thiếu Collagen cơ thể chúng ta cũng chỉ là
các phần rời rạc. Đây là lý do vì sao, các nhà khoa học cho rằng Collagen không
thể thiếu đối với con người. Dưới đây là một số vai trò cơ bản của Collagen:
+ Mạch máu: Collagen
là hợp chất có trong thành mạch, giúp đề phòng xơ cứng động mạch và tăng huyết
áp. Collagen
có vai trò rất quan trọng với những người bị xơ cứng động mạch:
não hoặc mạch vành tim.
+
Mắt: Collagen có nhiều trong giác mạc và thủy tinh thể.
Khi tuổi cao, Collagen sụt giảm làm giảm độ trong suốt của giác mạc, thủy tinh
thể thiếu dưỡng chất nên gây giảm thị lực và đục thủy tinh thể sớm.
+ Xương: Collagen là thành phần hữu cơ quan trọng trong cấu tạo của xương. Collagen đóng vai trò kết nối các chất khoáng trong xương tạo nên độ bền chắc của xương.
Khi Collagen thiếu gây giảm tính đàn hồi và dẻo
dai của xương. Bổ sung Collagen đóng vai trò chính giúp xương chắc khỏe, phòng
và trị bệnh loãng xương.
+ Sụn: Collagen
chiếm 50% trong cơ cấu tạo sụn. Thiếu Collagen gây tổn thương và mỏng bề mặt sụn
nên khi co duỗi khớp sẽ tăng tính ma sát gây tiếng kêu, hạn chế vận động và
tăng đau khớp. Collagen giúp phòng chống các bệnh như đau thắt lưng, bệnh đĩa đệm
cột sống.
+ Tóc – Móng: Collagen là cung cấp chất dinh dưỡng giúp cho tóc, giữ độ bóng mượt, hạn chế rụng và móng chắc khỏe.
SỬ DỤNG COLLAGEN TRONG PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH
- Phòng bệnh:
- Phòng lão hóa da, hạn chế nếp nhăn, hạn chế sự phân bố mỡ dưới da không đồng đều,
- Phòng viêm – thoái hóa khớp (osteoarthritis),
- Giữ độ bóng và dẻo dai của tóc, móng.
- Ổn định đường huyết:
+ Một nghiên cứu cho thấy khi uống collagen cùng với chất đường, sẽ giảm hiệu ứng tăng máu đường gần 50%. Gợi ý collagen giúp giảm tăng nhanh đường trong máu khi ăn nhiều chất bột đường, Collagen có thể cải thiện đường huyết ở người đái tháo đường và các dạng rối loạn dung nạp đường khác.
+ Nhờ Glycine trong collagen cản trở hấp thu chất bột đường tại ruột nên giảm tiết insulin và cải thiện đề kháng insulin.
- Sức khỏe hệ tiêu hóa:
Chuỗi peptide ngắn dễ tiêu hóa và hấp thu, nên có tác dụng sinh học mạnh và ít gây khó chịu đường tiêu hóa. Collagen peptide giúp điều hòa nhu động ruột, nên giảm chướng hơi và táo bón, cải thiện sức khỏe đường ruột.
- Trị bệnh
Collagen có mặt trong nhiều cơ quan trọng yếu của cơ thể, nên khi thiếu hụt sẽ gây nên nhiều biểu hiện phiền toái trên cơ thể chúng ta từ thẩm mỹ đến bệnh lý:
- Bệnh lý da:
- Chống nếp nhăn sớm và hạn chế da đọng nước: Collagen là yếu tố quan trọng cấu tạo nên lớp bì. Cung cấp đủ collagen da sẽ tươi mịn và giảm nếp hằn sâu trên mặt.
- Giúp hạn chế chứng cellulite: là hậu quả của mô mỡ dưới da tăng sinh không đồng đều, nên da sần sùi và không bằng phẳng trên bề mặt da. Cellite thường xuất hiện ở vùng đùi, bụng, mông và hay gặp ở phụ nữ tuổi trưởng thành.
- Bệnh vảy nến (Psoriasis): đây là một bệnh mạn tính ở da, những
gì biểu hiện bên ngoài chính là phản ảnh nội dung bên trong của cơ thể, gây
mảng đỏ da và da liên tục bị tróc vảy. Còn một định nghĩa quan trọng:
“Psoriasis is the external manifestation of the body’s attempt to “throw off”
internal toxins”. Nguyên nhân của bệnh đa phần do hệ tiêu hóa đặc biệt là ruột:
thành ruột non của phần lớn người bệnh vảy nến bị viêm, mỏng, rò rỉ, thiếu
enzyme… nên mọi thành phần có độc tính của thức ăn sẽ hấp thu nhanh vào máu,
gan bị quá tải trong nhiệm vụ hóa giải độc tố, cơ thể sẽ huy động toàn bộ hệ
thống thanh lọc cơ thể: thận, phổi và đặc biệt là da. Do đó, biểu hiện ngoài da
của bệnh vảy nến liên quan đến bệnh lý của ruột.
- Sức khỏe đường ruột:
- Giúp giảm viêm, chữa lành vết loét, hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa sự bài tiết acid của dạ dày, hạn chế chứng ợ nóng, đau do tiết nhiều acid. Nhờ vào acid amin Proline và Glycine. Ngoài ra Glutamine là acid amine chủ yếu giúp phòng viêm thành ruột.
- Thúc đẩy lành niêm mạc ruột: hỗ trợ điều trị chứng IBS và hội chứng ruột xuất tiết (Hội chứng rò rỉ ruột = leaky gut syndrome): khi niêm mạc ruột tốt giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng vào máu đến gan. Khi mắc Hội chứng rò rỉ ruột (Leaky Gut Syndrome = LGS) gây tăng tính thấm của niêm mạc ruột non tại những chỗ bị viêm gây kích thích các phản ứng quá mẫn đối với thức ăn và hệ tiêu hóa, nên các phân tử thức ăn lớn (macromolecules), vi khuẩn, độc chất và kháng nguyên hấp thu nhanh vào máu, dễ gây tình trạng Gan quá tải, khả năng hóa giải chất độc bị giảm, độc tố tích tụ trong tế bào gan gây tổn thương gan.
- Collagen có lợi cho người thừa cân – béo phì:
Collagen chứa protein có acid amin phong phú, dễ gây cảm giác no nhiều hơn bất kỳ các protein khác dù bạn ăn ít hơn. Một nghiên cứu lâm sàng cho thấy collagen tăng cảm giác no hơn 40% so với chất váng sữa (whey, tách được khi sản xuất phô mai), casein (có trong sữa tươi) và đậu nành. Một nghiên cứu khác cho thấy những người béo phì và đái tháo đường khi uống collagen peptide kích thích cơ thể tiết những hormone bão hòa (Insulin, Leptin, Ghrelin) vào dòng máu, nên uống collagen giúp giảm phải tiêu thụ 20% các loại protein khác.
- Bệnh xương khớp:
- Collagen giúp tăng mật khoáng của xương, phòng gãy xương. Khi tuổi cao, xương sẽ giảm 50% độ chắc do thiếu collagen. Cung cấp đủ collagen kích thích tế bào tạo xương mới thay cho tế bào xương già và bị tổn thương. Càng đủ collagen xương càng chắc và giảm nguy cơ gãy xương. Thực tế, Collagen được sử dụng thành công trong chăm sóc trẻ mắc bệnh Tạo xương bất toàn (xương thủy tinh) và điều trị chứng Loãng xương ở người trưởng thành [Bs. Trần Văn năm, CN. Tôn Thất Hưng].
- Kiểm soát viêm, đau, cứng khớp: kết quả của một nghiên cứu cho thấy 70% khi dùng collagen cải thiện đáng kể tình trạng đau khớp. Một nghiên cứu khác cho thấy collagen cải thiện hơn 25% triệu chứng đau do viêm xương khớp (osteoarthritis) và cứng khớp so với chế phẩm kháng viêm khác, như glucosamine và chondroitin sulfate.
- Cải thiện vận động và sự dẻo dai của khớp: vừa có ích cho cả người bệnh viêm khớp và vận động viên.
- Giúp khớp và dây chằng khỏe hơn, phòng chấn thương: trong một nghiên cứu đánh giá tác dụng của collagen peptide uống hàng ngày trên cấu trúc của gân Achilles: gia tăng đáng kể đường kính của sợi collagen. Kết quả này gợi ý sử dụng collagen giúp tăng sức khỏe của gân xương.
- Rút
ngắn thời gian phục hồi cơ, xương, dây chằng bị tổn thương sau chấn thương,
- Bệnh mạch máu do collagen:
Đây là một Bệnh tự miễn ảnh hưởng đến mô liên kết, nguyên nhân chính xác chưa rõ. Yếu tố nguy cơ: stress, mệt mỏi, tia cực tím… Một số bệnh thường gặp của Bệnh mạch máu do collagen:
- Sjogren’s Syndrome: khô mắt, khô miệng…
- Scleroderma: xơ cứng da hệ thống tiến triển, da dày, hình thành mô sợi gồ ghề trong nội tạng như: tim, ống tiêu hóa, thận, phổi.
- Bệnh viêm da cơ (Dermatomyositis) và Viêm đa cơ (Polymyositis): gây tổn thương cơ do viêm, còn biểu hiện trên da, tim và phổi.
- Bệnh mô liên kết hỗn hợp: kết hợp của triệu chứng xơ cứng bì, lupus, viêm đa cơ.
- Bệnh viêm nút quanh động mạch (Polyarteritis Nodosa): do tổn thương các động mạch từ nhỏ tới vừa trong tim, thận, ruột.
- Phản ứng ngoại ý của collagen:
- Những ngày đầu uống gelatin có thể sinh hơi, chướng bụng, ợ nóng, một số ít người bị dị ứng. Nên bắt đầu liều thấp và ở những người có viêm dạ dày do thừa acid cần điều trị phối hợp bệnh dạ dày.
- Những người bệnh cần chế độ ăn hạn chế protein nên sử dụng liều thấp và tham khảo ý kiến thầy thuốc.
- Yếu tố gây giảm collagen:
- Tuổi càng cao collagen càng giảm,
- Hút thuốc lá: chất độc hại có trong thuốc lá gây tổn thương vừa collagen vừa elastin trong da. Nicotin gây co động mạch nuôi dưỡng da.
- Tia UV của ánh sáng mặt trời gây phá hủy collagen tại da.
- Ăn nhiều đường: gây tăng tỉ lệ glycat hóa (glycation), đường sẽ gắn vào chất đạm để hình thành một phân tử mới, gọi là sản phẩm glycated hóa bền vững (AGEs). AGEs gây khô, dòn collagen.
- Phòng ngừa giảm collagen:
- Laser trị liệu, châm cứu, massage… có tác dụng tăng tạo collagen, elastin và melanin.
- Chế độ ăn tốt giúp cơ thể tăng tạo collagen: Proline có trong trứng, thịt, phô mai, đậu nành, cải bắp; Anthocyanidin: dâu tây, cherry, mâm sôi; Vitamin C: cam, dâu tây, bông cải; Đồng: sò, hạt đậu, thịt đỏ; Vitamin A: thịt, củ quả có màu vàng.
- KẾT LUẬN
Để cơ thể hoạt động tốt, chúng ta cần ăn đủ chất dinh dưỡng, oxy và nước. Để có vóc dáng và độ bền chắc của mọi cơ quan, bộ phận trong cơ thể, chúng ta rất cần collagen. Nếu thiếu hụt collagen sẽ giảm tính thẩm mỹ, độ chắc của cơ, sự mịn màng của da, tóc, móng…muốn giữ sự trẻ trung lâu dài cần phải thực hiện lối sống khoa học và bổ sung đủ collagen kịp thời, không chờ đến lúc: “Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi” (trích Bài Thơ Tình già của Tác giả Phan Khôi).